Bệnh nhân là bé H.N.H (nam, 7 tuổi, tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương lúc 11h45p ngày 2/92019 do bị chó cắn.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, cách thời điểm vào viện 5 giờ, cháu H. bị tai nạn chó cắn vào vùng mặt và cánh tay phải, đã được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng tỉnh, không sốt, da, niêm mạc hồng.
Tuy nhiên, bệnh nhân có vết rách vùng cánh tay phải và vùng gáy, không chảy máu. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị vết thương vùng mặt, cánh tay do chó cắn ngày thứ 1.
BS. Thắng cho biết, vùng trước tai phải của cháu bé có vết rách 5cm, sâu 2cm, không lộ tuyến mang tai. May mắn là màng nhĩ, ống tai của trẻ không bị tổn thương. Cánh mũi phải có vết rách nhỏ. Trên cánh tay phải của bé cũng có vết rách do chó cắn gây nên.
Các bác sĩ đã tiến hành khâu vết rách vành tai trên 2cm phức tạp, khâu vết thương vùng đầu, mặt, cổ cho bệnh nhân.
Vết rách sâu do chó cắn gây ra.
Cũng theo BS. Thắng, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn. Trước đó các bác sĩ đã cấp cứu rất nhiều trường hợp chó cắn người gây hậu quả hết sức thương tâm. Hồi tháng 4/2019, một bé trai 3 tuổi, quê ở Đồng Nai bị chó nhà hàng xóm lao vào tấn công liên tiếp gây chấn thương thanh khí quản, tràn khí cổ ngực. Các bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương đã phải mổ cấp cứu, mở khí quản cho bệnh nhân.
May mắn là các trường hợp này đã được bác sĩ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chó cắn chủ quan không đi khám, sau đó đã tử vong.
Trước thực trạng nhiều trường hợp bị chó cắn nhập viện, BS. Thắng khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay - BS. Thắng cảnh báo.
Lê Nguyên
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
400.000đ
Liên hệ
Liên hệ